Suy dinh dưỡng là gì? Suy dinh dưỡng là một thuật ngữ dùng để chỉ sự thiếu hụt những chất dinh dưỡng thiết yếu, thường gặp nhất là sự thiếu hụt protein, vitamin và khoáng chất. Hệ quả của việc cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng là sự suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em, nhất là ở giai đoạn trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao từ 6-24 tháng tuổi. Cùng pfcbiz tìm hiểu rõ hơn trong bài viết bên dưới.
Mục Lục
Tổng quan bệnh Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ. Đánh giá một trẻ suy dinh dưỡng dựa vào các chỉ số:
- Cân nặng theo tuổi
- Chiều cao theo tuổi
- Cân nặng theo chiều cao
Suy dinh dưỡng ở người lớn thường phổ biến ở người cao tuổi, hoặc người trưởng thành có các nguyên nhân làm hạn chế cung cấp thức ăn cho cơ thể như bị bệnh mãn tính, mắc chứng biếng ăn. Người lớn bị suy dinh dưỡng sẽ gây ra các biến chứng: hệ miễn dịch suy yếu, gia tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý khác nhau, nhất là các bệnh lý lây nhiễm; hạn chế vận động, dễ té ngã; cần người chăm sóc.
Đối tượng nguy cơ bệnh Suy dinh dưỡng
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh suy dinh dưỡng bao gồm:
- Người nghèo, có thu nhập thấp
- Người cao tuổi
- Người mắc nhiều bệnh lý cùng một lúc, hoặc mắc các bệnh lý nặng phải nằm viện lâu
- Người nghiện rượu do rượu gây viêm dạ dày và viêm tụy, giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu làm giảm cảm giác đói, người nghiện rượu luôn cảm thấy no nên không ăn uống đầy đủ.
Những trẻ nào dễ bị suy dinh dưỡng?
- Trẻ từ 6-24 tháng: thời kỳ có nhu cầu dinh dưỡng cao rất cần cho sự thích ứng với môi trường.
- Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú đủ sữa.
- Trẻ sinh nhẹ cân (<2.500g), trẻ sinh đôi, sinh ba.
- Trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém.
- Trẻ hiện đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: bệnh sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp…
- 70% chứng ói mửa của trẻ là do bị viêm đường ruột. Hơn nửa trường hợp này là do siêu vi trùng Rotavirus, phần còn lại là do nhiễm enteric adenoviruses, enteroviruses, caliciviruses và astroviruses.
Triệu chứng của bệnh
• Bé chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Bên cạnh đó, trẻ suy dinh dưỡng thường biếng ăn, ăn ít; môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt.
• Trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Các bắp thịt mềm nhão, bụng to dần.
• Trẻ chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng.
Nguyên nhân là gì?
• Do nuôi dưỡng kém, như mẹ không có sữa hoặc thiếu sữa phải nuôi sữa ngoài.
• Cho trẻ ăn sam quá sớm (dưới 4 tháng) và cho ăn không đủ chất dinh dưỡng; cai sữa cho trẻ quá sớm (dưới 1 năm)…
• Tình trạng kiêng khem, bắt trẻ ăn cháo muối, hoặc ăn bột, ăn cháo với ít nước mắm; mì chính kéo dài trong và sau các đợt bị tiêu chảy của nhiều bà mẹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
• Ngoài ra ta phải kể đến các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, ho gà, viêm phổi, lao, hội chứng lỵ… Làm cơ thể trẻ suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài cũng dễ làm trẻ bị suy dinh dưỡng.
Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ
• Trong thời gian mang thai, người mẹ cần có có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cuối thai kỳ phải tăng ít nhất 8–10kg. Tránh bị lây nhiễm các bệnh cấp tính nhất là các bệnh do virus gây ra.
• Đối với trẻ trong 6 tháng đầu thì sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất. Nhưng nếu thiếu sữa hay mất sữa thì cần dùng các sản phẩm sữa thay thế phù hợp với lứa tuổi.
• Không cho trẻ ăn bột quá sớm nhưng cần cho ăn bổ sung đúng độ tuổi từ tháng thứ 5-6.
• Chế độ dinh dưỡng trong một bữa ăn của trẻ phải đầy đủ các thành phần tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
• Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng; và kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
• Khi trẻ bị tiêu chảy, nhất thiết không bắt trẻ kiêng ăn. Khi trẻ sốt cao nên cho uống nhiều nước và cho ăn thức ăn lỏng.