Tổng quan về bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là một bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra, gây ra các tổn thương ở bất kỳ bộ phận nào của đường hô hấp như tai, mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi. Viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em là bệnh rất phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ phải nhập viện và tử vong, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính giết chết hơn 4,5 triệu trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, viêm đường hô hấp cấp là bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong ở trẻ em.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là gì?

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở đường thở, nghĩa là đường từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi.

NKHHCT thường có biểu hiện ho ở trẻ không quá 30 ngày. Bệnh rất phổ biến, là nguyên nhân gây nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Ước tính một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc NKHHCT từ 5-8 lần mỗi năm.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Theo ước tính, trên toàn thế giới có khoảng 4.300 trẻ em tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ lại có một trẻ tử vong do viêm phổi, 90% số này là ở các nước đang phát triển.

Nếu được chăm sóc tốt, hầu hết trẻ bị NKHHCT sẽ tự khỏi trong khoảng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, khoảng 20-25% trẻ mắc sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp trước khi biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong.

Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em được chia thành 2 loại:

– Viêm hô hấp trên: Bao gồm viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.

– Viêm hô hấp dưới: Bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Trong đó, viêm phổi chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Cách chăm sóc khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp

Khoảng 90% nhiễm khuẩn hô hấp là do virus và đa số có thể tự khỏi nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, phụ huynh nên thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc sau:

Khi trẻ sốt nhẹ (nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng từ 37. 5 độ C đến 38 độ C ), cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và ăn những thức ăn dễ tiêu hoá.

Khi trẻ sốt trên 38,5C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần vệ sinh mũi miệng bằng khăn mềm và nước muối 9‰.

Nếu thấy trẻ ho, cần vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Thực hiện bằng cách khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực.

Cho trẻ uống đủ nước và chia nhiều bữa ăn trong ngày, số lượng ít hơn bình thường và thức ăn mềm dễ tiêu, dễ nuốt, có thể bổ sung rau xanh hay trái cây với trẻ lớn và uống thêm nước hoa quả ép ở trẻ nhỏ, bù nước cho trẻ bú nhiều lần với trẻ còn bú mẹ.

Thời điểm nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau:

– Trẻ sốt cao > 39 độ, sốt kéo dài không đáp ứng thuốc hạ sốt. Ho nhiều, rối loạn nhịp thở, thở khó khăn…

– Bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều sau ăn.

– Rối loạn tri giác: Lơ mơ, li bì, co giật.

Thời điểm nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Thời điểm nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, bố mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con uống. Bởi kháng sinh có thể không cần thiết cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp mà nguyên nhân là do virus. Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh không có đơn theo chỉ định của bác sĩ. Có thể gây hậu quả nghiêm trọng do không đúng liều, đường dùng và ngày dùng; dị ứng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc và tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.

>>> Xem thêm tại chuyên mục Phòng bệnh cho trẻ

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp là gì?

Các dấu hiệu thông thường của trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp gồm:

– Sốt trên 37.5 độ

– Trẻ biếng ăn hoặc ít bú

– Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn

– Trẻ bị ho và kèm theo các dấu hiệu khác, chảy mũi, thở khò khè, thậm chí tiêu chảy.

Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như:

– Trẻ thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực

– Không bú, bú ít hoặc không ăn uống được

– Nôn hết tất cả, kể cả nước

Co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *